Marketing du lịch là gì? Chiến lược marketing lữ hành hiệu quả

marketing-du-lich

Có thể nói rằng việc áp dụng các chiến lược tiếp thị du lịch phù hợp có thể là một phần quan trọng trong việc tối đa hóa doanh thu, xây dựng nhận thức về thương hiệu và quản lý danh tiếng công ty.

Trong bài viết này, Travelopia sẽ cung cấp tất cả những kiến thức mà bạn cần biết về Marketing du lịch cũng như các chiến lược Marketing du lịch hiệu quả giúp phát triển công việc kinh doanh.

1. Marketing du lịch là gì?

Marketing du lịch là quá trình nghiên cứu, phân tích những nhu cầu khách hàng, những sản phẩm, dịch vụ du lịch và những phương thức cung ứng, hỗ trợ khách hàng đến với sản phẩm dịch vụ du lịch của doanh nghiệp nhằm thỏa mãn nhu cầu của họ đồng thời đạt được những mục tiêu của tổ chức.

2. Vai trò của marketing du lịch trong doanh nghiệp lữ hành

Marketing du lịch có vai trò rất quan trọng trong việc quảng bá và tiếp thị sản phẩm du lịch của các doanh nghiệp. Dưới đây là những vai trò quan trọng:

2.1 Nâng cao hình ảnh thương hiệu

Hình ảnh thương hiệu là yếu tố quan trọng trong việc thu hút khách hàng và tăng cường doanh số cho các doanh nghiệp du lịch.

Marketing du lịch giúp các doanh nghiệp xây dựng và quản lý hình ảnh thương hiệu của mình thông qua các chiến lược quảng bá, tiếp cận khách hàng và tạo dựng mối quan hệ với khách hàng. Điều này giúp các doanh nghiệp du lịch tạo dựng niềm tin của khách hàng đối với thương hiệu của mình.

2.2 Tăng doanh thu và lợi nhuận

Marketing du lịch giúp tăng doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp du lịch bằng cách giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ mới, thu hút khách hàng mới và giữ chân khách hàng trung thành.

Các hoạt động của marketing du lịch bao gồm như: việc tạo ra các gói tour du lịch hấp dẫn, ưu đãi giá cả và các chương trình khuyến mãi đặc biệt để tăng doanh số bán hàng và lợi nhuận của doanh nghiệp du lịch.

2.3 Tạo sự khác biệt và cạnh tranh

Ngành du lịch là một ngành đầy cạnh tranh. Các doanh nghiệp du lịch phải nỗ lực để tạo ra sản phẩm và dịch vụ du lịch độc đáo và hấp dẫn nhằm thu hút khách hàng.

Marketing du lịch giúp các doanh nghiệp xác định đối tượng khách hàng, nghiên cứu nhu cầu của khách hàng và thiết kế các sản phẩm và dịch vụ du lịch phù hợp với từng nhóm khách hàng. Điều này giúp các doanh nghiệp du lịch tạo ra sự khác biệt với các đối thủ cạnh tranh và thu hút được nhiều khách hàng tiềm năng.

3. Phân tích 4P trong marketing du lịch

Có thể thấy 4P là mô hình điển hình trong Marketing trên toàn ngành nói chung, và ngành du lịch nói riêng. Tương tự, 4P trong Marketing du lịch cũng sẽ bao gồm các yếu tố sau: Product – Sản phẩm, Price – Giá cả, Promotion – Quảng cáo, Place – Địa điểm.

marketing-du-lich
4P trong marketing du lịch

3.1 Product: Doanh nghiệp bạn sẽ bán những sản phẩm du lịch gì?

  • Các tour du lịch.
  • Nơi lưu trú: phòng nghỉ của khách sạn, resort, homestay,…
  • Phương tiện vận chuyển: Xe du lịch đưa đón du khách, tàu, thuyền.
  • Vé máy bay, visa,…

Nói chung, sản phẩm du lịch ở đây là các sản phẩm, dịch vụ mà công ty du lịch cung cấp. Trong thời buổi thị trường du lịch cạnh tranh khốc liệt như hiện nay thì sản phẩm chỉ tốt thôi là chưa đủ, doanh nghiệp cần phải xác định các đặc tính của sản phẩm hoặc dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

marketing-du-lich
Phú quốc là địa điểm thu hút khách du lịch vào mùa hè

Mùa hè các doanh nghiệp lữ hành cung cấp tour du lịch biển, nhưng đến mùa thu nhu cầu của du khách muốn đến những nơi tổ chức nhiều lễ hội thì doanh nghiệp phải xây dựng chiến lược Marketing sản phẩm dựa trên nhu cầu của khách hàng theo từng thời điểm.

Đồng thời, mỗi đơn vị kinh doanh có một tập khách hàng mục tiêu khác nhau, hướng đến những phân khúc thị trường khác nhau nên cần xây dựng chiến lược Marketing sản phẩm phù hợp với đối tượng khách hàng mình hướng đến.

3.2 Price: Doanh nghiệp bạn tính giá bao nhiêu cho sản phẩm du lịch?

Để xác định giá của các tour, các dịch vụ mà công ty du lịch cung cấp hay nói cách khác là: mức giá nào mà khách hàng mục tiêu chấp nhận chi trả thì các chủ doanh nghiệp cần xem xét:

  • Chi phí của sản phẩm: gồm chi phí cố định và chi phí biến đổi.
  • Giá sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh.
  • Số tiền khách hàng sẵn sàng trả cho sản phẩm của bạn: nghiên cứu thị trường khách hàng mục tiêu nhắm đến, xác định khách hàng có thể chi tiêu trong tầm giá nào.

Do vậy, chiến lược giá luôn rất quan trọng, đòi hỏi doanh nghiệp bạn cần đưa ra mức giá và những dịch vụ du lịch kèm theo phù hợp với từng thời điểm. Doanh nghiệp bạn đưa ra giá sản phẩm làm sao để khách hàng cảm thấy hài lòng với chất lượng tour, chất lượng phục vụ được cung cấp.

marketing-du-lich
Xác định giá phù hợp giúp khách hàng cảm thấy hài lòng

Ví dụ trong  du lịch, giá được chia theo các mùa khác nhau:

  • Mùa cao điểm: là thời điểm “hot” nhất để khách hàng đi du lịch, nên giá tour có thể đẩy lên cao nhất để cạnh tranh cùng các đối thủ.
  • Mùa thấp điểm: là mùa vụ khách hàng ít có nhu cầu hơn nên đây là lúc áp dụng chính sách giá ưu đãi nhằm thu hút khách hàng.
  • Mùa giao là giai đoạn giao giữa mùa thấp điểm và mùa cao điểm: là cơ hội cho các doanh nghiệp lữ hành mạnh tay truyền thông, quảng bá du lịch nên giá sẽ dao động tùy vào chiến lược của từng doanh nghiệp.

3.3 Place: Khách hàng sẽ mua sản phẩm du lịch ở đâu?

Ngày nay, ngoài kênh truyền thống là đại lý du lịch, công nghệ như một cuộc cách mạng làm mở rộng thị trường phân phối sản phẩm. Đặc biệt là thông qua các kênh trực tuyến nhằm mang sản phẩm du lịch đến thị trường khách hàng rộng lớn hơn.

marketing-du-lich
Mua sắm trực tuyến đang là xu hướng

Kênh trực tuyến phổ biến: OTA (Online Travel Agent – đại lý du lịch trực tuyến), Tripadvisor (là trang đánh giá và cung cấp nhiều phản hồi từ phía chính khách hàng cho du khách tham khảo), thiết kế Website du lịch có tính năng book tour.

Các kênh OTA sẽ được trích phần trăm hoa hồng nếu như bán được các dịch vụ cho doanh nghiệp du lịch, đây cũng là chiến lược tiếp nhận khách hàng một cách triệt để mà nhiều doanh nghiệp du lịch đang áp dụng.

3.4 Promotion: Khách hàng sẽ tìm hiểu về sản phẩm như thế nào?

Đây là yếu tố quyết định doanh thu của một doanh nghiệp.

Khi công nghệ phát triển mỗi ngày, mang đến nhiều thông tin cần thiết và sự tiện ích nhất định cho khách hàng, thì việc kết hợp quảng bá sản phẩm theo cách truyền thống và quảng bá trực tuyến là xu hướng rất hiệu quả. Các hình thức truyền thông mang đến nhiều khách hàng tiềm năng như: Google Ads, Email Marketing, Facebook Ads, Website du lịch,…

Xây dựng chiến lược Marketing thông qua truyền thông sẽ giúp tiếp cận và khai thác nhu cầu khách hàng một cách nhanh chóng, mà hiệu quả mang lại cực lớn.

3.5 Marketing 7P, 8P và 9P

Marketing Mix (marketing 4P) đã mở ra chương mới, thúc đẩy hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp. Dựa trên nền tảng 4P, marketing 7P, 8P và 9P ra đời.

3.5.1 Chiến lược 7P trong marketing du lịch

Là sự tổng hợp của marketing mix kết hợp với 4 yếu tố truyền thống bao gồm: Product (Sản phẩm), Price (Giá cả), Place (địa điểm), Promotion (Quảng cáo), People  (Con người), Process (Quy trình cung ứng) và Physical evidence (Điều kiện vật chất)

marketing-du-lich
7P trong marketing du lịch

Trong đó:

  • People: nhấn mạnh tầm quan trọng của những người trong doanh nghiệp, những người trực tiếp tương tác với khách hàng – cả trực tiếp và gián tiếp
  • Process: đề cập đến quy trình mà doanh nghiệp sẽ cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ cho khách hàng, cũng như bất kỳ dịch vụ khách hàng nào được bổ sung vào hệ thống sau khi khách hoàn tất quá trình mua hàng của mình.
  • Physical evidence: chỉ các mặt hàng thực tế và các hình thức tương tác như sản phẩm, cửa hàng, biên nhận, bao bì, túi xách và các mặt hàng có nhãn hiệu khác có thể nhìn thấy và chạm vào.

3.5.2 Chiến lược 8P

Là sự kết hợp của marketing 7P và có thêm Performance (Hiệu suất).

Performance hay hiệu suất của một thương hiệu là khả năng mang đến trải nghiệm tuyệt hảo ở hai cấp độ – thứ nhất là cấp độ sản phẩm và thứ hai là cấp độ trải nghiệm.

3.5.3 Chiến lược 9P

Là sự bổ sung yếu tố Profitability (Lợi nhuận) trong marketing 8P.

Tỷ suất lợi nhuận/ Profit Margin là một trong những tỷ suất sinh lời thường được sử dụng để đánh giá mức độ mà các doanh nghiệp đang kiếm tiền, tiết lộ xu hướng tăng trưởng và xác định các chi phí không cần thiết. Nó thể hiện phần trăm doanh thu thuần đã chuyển thành lợi nhuận sau khi trừ đi tất cả các khoản chi phí hàng bán, chi phí quản lý, khấu hao, lãi vay, và thuế.

4. Các loại hình marketing du lịch

Hiện nay, nhiều phương thức marketing du lịch tập trung vào việc giúp các doanh nghiệp tìm ra điểm bán hàng độc đáo và quảng bá điểm bán hàng đó.

Tất nhiên, điều quan trọng là các nhà tiếp thị phải cập nhật các xu hướng mới nhất, để họ có thể tạo ra một hỗn hợp tiếp thị đa dạng và sử dụng các phương pháp tốt nhất để truyền tải thông điệp của họ.

4.1 Marketing du lịch tập trung vào sự trải nghiệm

Đối tượng mà loại hình này hướng tới chính là những người yêu thích trải nghiệm, khám phá các nền văn hoá, phong tục tập quán mới lạ hay nét ẩm thực độc đáo của địa phương nơi họ đặt chân đến.

Khác với du lịch nghỉ dưỡng, du khách thường lựa chọn các homestay làm nơi dừng chân trong hành trình của mình để được gần gũi hơn với người dân địa phương cũng như các địa điểm du lịch thay vì các villa, resort.

4.2 Marketing với blog du lịch

Ngày nay, Internet là một công cụ nổi bật dành cho Marketing và Travel Blogger đang là một xu hướng nghề nghiệp đầy tiềm năng đặc biệt với đối tượng Gen Z. Nhờ vào sự kết nối và phát triển của công nghệ, hầu như ai cũng có nhu cầu chia sẻ về trải nghiệm của bản thân.

Do đó, nhiều nền tảng mới đã ra đời và được sử dụng rộng rãi nhằm thoả mãn nhu cầu sáng tạo nội dung cũng như tham khảo những hình ảnh, video được chỉnh sửa công phu, tỉ mỉ về các địa điểm du lịch. Việc đầu tư vào một blog du lịch sẽ khiến bạn trở nên nổi bật hơn so với đối thủ.

Bên cạnh đó, việc hợp tác giữa các bên kinh doanh du lịch, khách sạn, bán tour với các Travel Blogger ngày càng trở nên phổ biến.

4.3 Marketing ẩm thực địa phương

Du lịch ẩm thực – hay còn được Gen Z đặt dưới cái tên Food tour – là một trong những loại hình Marketing du lịch phổ biến nhất hiện nay. Khi đặt chân đến bất kỳ địa điểm du lịch nào, ngoài trải nghiệm về văn hoá, lịch sử, phong tục tập quán, khách du lịch còn mong muốn được thưởng thức nét ẩm thực đặc sắc của vùng đất đó.

Việc các công ty du lịch mở thêm Food tour, hợp tác với các nhà hàng địa phương để giới thiệu về các món ăn đặc trưng cũng là một cách mang lại hiệu quả cao.

4.4 Marketing với show diễn văn hoá

Loại hình du lịch này đặc biệt phổ biến với du khách nước ngoài. Các sự kiện được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho khách du lịch được trải nghiệm nét văn hoá độc đáo cũng như có cái nhìn đa chiều hơn về phong tục tập quán của người dân bản địa.

marketing-du-lich
Show thực cảnh “Ký ức Hội An”

Show diễn “Ký ức Hội An” có thể được coi là một thành công lớn thu hút một lượng khách du lịch lớn đến với thành phố, nhằm quảng bá hình ảnh, mở rộng kinh doanh cho các công ty du lịch.

5. Một số chiến lược marketing du lịch hiệu quả

5.1 Khuyến mãi hấp dẫn

Các doanh nghiệp có thể áp dụng giảm giá tour, khuyến mãi cho khách lẻ, khách đoàn, ưu đãi và cung cấp các dịch vụ đi kèm như: xe đưa đón sân bay, spa, hướng dẫn viên,…

5.2 Website hướng tới khách hàng

Một điều vô cùng cần thiết cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch phát triển trong thời đại công nghệ phát triển chính là Website. Doanh nghiệp hoàn toàn có thể giới thiệu các gói dịch vụ, tour du lịch đến với khách hàng trên phương diện trực quan và hiệu quả hơn.

marketing-du-lich
Sử dụng website đẹp là chiến lược marketing hiệu quả

Chỉ cần truy cập vào Website, toàn bộ thông tin về giá cả, lịch trình, phương tiện di chuyển, ưu đãi đi kèm sẽ được hiển thị đầy đủ. Từ đó, khách hàng dễ dàng lựa chọn và thanh toán 24/7.

5.3 Quảng bá bằng mạng xã hội

Facebook và một trang mạng xã hội quen thuộc và thân thiện với nhiều doanh nghiệp lữ hành được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam. Chủ doanh nghiệp có thể dễ dàng khoanh vùng khách hàng tiềm năng, khai thác dữ liệu người dùng nhờ vào những dịch vụ quảng cáo và Facebook cung cấp.

Tuy nhiên, như đã nhắc tới ở trên, nhiều nền tảng mạng xã hội mới đã trở nên vô cùng thịnh hành trong một vài năm gần đây giúp doanh nghiệp Marketing du lịch vô cùng hiệu quả. Tiktok, Instagram có nhiều thuật toán thông minh cho phép cung cấp nội dung du lịch cho những người dùng thật sự quan tâm, mang lại độ phủ sóng cao hơn

6. Kết luận

Để thành công trong ngành du lịch, việc áp dụng marketing là điều tất yếu. Các doanh nghiệp cần phải tìm ra chiến lược phù hợp với mục tiêu và đối tượng khách hàng của mình. Bên cạnh đó việc không ngừng cập nhập các cải tiến và nâng cao chất lượng dịch vụ là điều vô cùng quan trọng.

Travelopia hy vọng đã cung cấp tới bạn kiến thức hiểu ích và cái nhìn tổng quan nhất về marketing du lịch. Chúc bạn áp dụng các chiến lược marketing một cách hiệu quả nhất!

Bài viết liên quan: